Sóc Trăng: Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của tỉnh từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2024 – 2025
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2020 – 2025, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của tỉnh từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2024 – 2025.

     Kế hoạch cũng nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

     Trên cơ sở, yêu cầu thực hiện CTGDPTM theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

     Kế hoạch cũng nhằm bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghiên cứu khoa học giáo dục, phát triển chương trình giáo dục phổ thông cho đội ngũ cán bộ giáo viên của nhà trường, góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cho chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

     Theo đó, để đáp ứng việc triển khai thực hiện CTGDPTM về phòng học và các phòng chức năng khác, tỉnh cần đầu tư, xây dựng mới theo nhu cầu của từng cấp học. Cụ thể, toàn tỉnh cần xây dựng mới 2.996 phòng học, 1.194 phòng phục vụ học tập, 882 phòng hành chính quản trị, 69 thư viện, 157 phòng y tế.

     Theo cấu trúc CTGDPTM, nhu cầu trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học rất nhiều. Qua khảo sát số lượng thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, trên cơ sở dự báo quy mô phát triển số lớp, số học sinh, dự tính số thiết bị cần có phục vụ cho hoạt động dạy và học trong toàn tỉnh như sau: 68.538 bộ thiết bị tối thiểu. 4922 bộ thiết bị dùng chung, 350 phòng vi tính, 358 phòng học ngoại ngữ, 35.430 bộ bàn ghế phục vụ học tập.

     Về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để thực hiện CTGDPTM từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2024-2025 cụ thể như sau:

     Năm học 2020-2021: Tiểu học (lớp 1), số cán bộ quản lý cần bồi dưỡng là 513 người; số giáo viên cần bồi dưỡng là 1.350 người; số nhân viên cần bồi dưỡng là 214 người.

     Năm học 2021-2022: Tiểu học (lớp 2), số giáo viên cần bồi dưỡng là 1.350 người, số nhân viên cần bồi dưỡng là 214 người. THCS (lớp 6), số CBQL cần bồi dưỡng là 247 người, số giáo viên cơ bản cần bồi dưỡng là 1.137 người, số nhân viên cần bồi dưỡng là 111 người.

     Năm học 2022-2023: Tiểu học (lớp 3), CBQL cần bồi dưỡng là 5113 người, số giáo viên cần bồi dưỡng là 1.350 người; số nhân viên cần bồi dưỡng là 214 người. THCS (lớp 7), số giáo viên cơ bản cần bồi dưỡng là 1.137 người, số nhân viên cần bồi dưỡng là 111 người. THPT (lớp 10), CBQL cần bồi dưỡng là 114 người, số giáo viên cơ bản cần bồi dưỡng là 701 người, số nhân viên cần bồi dưỡng là 37 người.

     Năm học 2023 -2024, bồi dưỡng cán bộ và giáo viên, nhân viên ở lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Năm học 2024-2025, bồi dưỡng giáo viên và nhân viên ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

     Để hoàn thành tốt các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch cũng đề ra những nhiệm vụ va giải pháp chủ yếu sau: 

     Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các Cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, vị trí và sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...

     Các cơ sở giáo dục xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông cho đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK); phân biệt rõ đổi mới chương trình, SGK lần này và các lần trước đó và chỉ ra khả năng dẫn đến kết quả tốt hơn; biểu dương kịp thời, gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động đổi mới chương trình, SGK; tạo sự tin tưởng, lạc quan, đồng thuận;đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội cho công cuộc đổi mới CTGDPTM.

     Rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các cá nhân, toorc hức, các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển giáo dục... Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục, không chỉ có nguồn lực đầu tư của nhà nước, mà còn huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, các cá nhân, tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước...

Dương Hoàng

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77342819

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.