Tục đút cốm dẹp của đồng bào Khmer Nam bộ
Nhắc đến người Khmer ở Nam bộ, điểm đầu tiên làm người ta gợi nhớ đến một dân tộc có nền văn hóa độc đáo và phong phú. Ngoài những ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm, có kiến trúc tinh tế, màu sắc sặc sở mang đậm nét truyền thống của Phật giáo Nam Tông, thì các hoạt động lễ hội của bà con cũng cuốn hút nhiều du khách đến vui chơi, trải nghiệm. Lễ Ooc-Om-Bóc là một trong những lễ hội truyền thống, được lưu truyền và tổ chức hàng năm.

Lễ Ooc-Om-Bóc còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ "Đút cốm dẹp" (Bon sâm peah preah khe), có từ rất lâu đời, khi cư dân nơi đây bắt đầu biết trồng lúa nước. Lễ hội được diễn ra vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Lễ đút cốm dẹp có ý nghĩa: Thứ nhất là đưa tiễn nước ra sông, vì thời gian tổ chức lễ vào thời điểm cuối năm, lượng mưa đã giảm nhiều, mực nước ở ruộng, ao, hồ, sông bắt đầu hạ xuống; thứ hai, các nhà nông bắt đầu vào thu hoạch vụ mùa và các nông sản; thứ ba, đồng bào Khmer vốn đã được tiếp thu cả hai nền văn minh của đạo Bà La Môn và đạo Phật, nên mới có nghi lễ cúng trăng. Theo truyền thuyết, từ xa xưa đồng bào Khmer Nam bộ có hai cái tết: Tết âm lịch và Tết dương lịch. Nếu theo Kinh Hôra, ngày 15 tháng 10 âm lịch là ngày kết thúc một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất. Đúng vào lúc 24 giờ của ngày này thì bóng trăng không xê dịch, cột trụ trồng trên sân đứng thẳng ngoài trời. Người xưa cho rằng đây là ngày bước sang năm mới âm lịch và mặt trăng bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới.

Người Khmer đồng bằng sông Cửu Long vốn sống bằng nghề trồng lúa nước theo hai mùa trong năm. Mùa mưa từ ngày 16/4 đến ngày 15/10, mùa khô từ 16/10 đến 15/4 năm sau, tính theo đường quay vòng trái đất của mặt trăng. Vì thế ngày 15/10 là ngày cuối mùa hạn và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất. Người Khmer xem Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng. Vào đêm 15/10 khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Trước tiên người ta cắm hai cây trúc và dùng lá dừa làm hình cái cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng này đặt cái bàn bày các thức cúng như: Dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp là thức cúng không thể thiếu.

 

Cốm dẹp của đồng bào Khmer Nam bộ

 

Tối đến, mọi người ngồi chấp tay quay mặt về hướng Mặt Trăng để làm lễ. Khi trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn rồi mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc (làng, xóm) hay trong nhà để làm lễ. Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt,… Cúng xong, người chủ lễ gọi các em nhỏ lại đứng chấp tay về hướng Mặt Trăng rồi lấy cốm dẹp và một ít thức cúng khác đút vào miệng các em, còn tay kia vỗ nhẹ vào lưng và hỏi các em ước muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin của người lớn vào năm tới. Sau đó mọi người quây quần lại dùng các thức cúng để hưởng phước, còn các em nhỏ thì vui chơi, múa hát.

 

Trước và trong những ngày diễn ra lễ cúng trăng, nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống như Sóc Trăng, Trà Vinh... còn tổ chức hội đua ghe Ngo, lễ thả đèn nước và nhiều hoạt động văn hóa thể thao truyền thống hấp dẫn khác như: Cờ ốc, bi sắt, múa Răm Vong, Rong Leo, hát dù kê...                                                                                    

Lý Thị Phương


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77312616

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.